Không nghe lời, thiếu tôn trọng người lớn, thiếu nghị lực và không có thói quen tự lập, đắm chìm trong thế giới ảo và lưới kết nối trong thế giới thật… tất cả những biểu hiện tiêu cực này của trẻ đều có khả năng xuất phát từ nguyên nhân cơ bản nhất – sai lầm trong phương pháp giáo dục của các bậc phụ huynh, và để lại một hệ quả đáng buồn còn được gọi là “Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ”.
“Con cái chính là tấm gương phản ánh hình ảnh của cha mẹ” – nhận định này không phải lúc nào cũng chính xác tuyệt đối, nhưng trong nhiều trường hợp thì nó đúng. Người ta vẫn thường nhìn vào cách trưởng thành của những đứa trẻ để đánh giá về năng lực giáo dục của bố mẹ chúng, ví dụ, đa số trẻ ngoan đều có bố mẹ tốt, và ngược lại, khi một đứa trẻ hư thì lý do phổ biến hơn cả là vì cha mẹ chúng đã nuôi dạy chúng không đúng cách.
Nhìn vào cách cư xử và thói quen của “bọn trẻ” ngày nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng và lo sợ: “Rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra với chúng?”, “Tại sao chúng lại có thể nói ra những câu như vậy?”, “Thời gian chúng “online” còn nhiều hơn thời gian chúng học bài và đọc sách nữa”, “Chúng hầu như thích nghe lời bạn bè hơn nghe lời cha mẹ”… Nhiều bậc phụ huynh thản nhiên đổ lỗi cho sự phát triển không ngừng của công nghệ số, đặc biệt là sự giao thoa mạnh mẽ giữa các nền văn hóa, thậm chí đổ lỗi cho giáo dục nhà trường – những nguyên nhân đã khiến cho đứa con của họ hình thành những tính cách xấu đó. Nhưng “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, cha mẹ cần tự hỏi mình đã giáo dục con đúng cách hay chưa và cần có cái nhìn trực diện vào những sai lầm mình gặp phải trong “công cuộc” nuôi dạy trẻ.
Tiến sĩ Leonard Sax gọi công cuộc đó là công cuộc của những người “hành nghề” làm cha mẹ. Dưới góc nhìn của một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục gia đình, Sax nhấn mạnh đến tính chất sống còn của việc nuôi dạy trẻ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hạnh phúc của các thành viên. Nếu người ta hành nghề bác sĩ, giáo viên, kiến trúc sư… để kiếm sống (có thể còn vì đam mê nữa) thì người ta cũng hành nghề làm cha mẹ với ý nghĩa sinh tồn (bao gồm cả trách nhiệm và tình thương), bởi chỉ khi nuôi dạy nên những đứa trẻ mang những đức tính tốt thì cha mẹ mới có thể sống an vui, hạnh phúc.
Tương tự như dùng tấm gương phản chiếu, từ những biểu hiện tiêu cực trong lối sống và cách cư xử của “bọn trẻ”, Sax đã mạnh tay chỉ ra những sai lầm thường thấy ở cách dạy con của các bậc cha mẹ Mỹ (được bao quát thành sai lầm của đa số cha mẹ trên toàn thế giới). Bằng ngòi bút chân thực sắc sảo, lại bằng giọng điệu thân mật gần gũi, Sax khẳng định chính cha mẹ chứ không phải ai khác là người đã tạo ra những đứa trẻ béo phì, thừa cân, tâm hồn mong manh dễ vỡ, thiếu tôn trọng, thiếu nghị lực và phải sống phụ thuộc quá nhiều vào thuốc, thực phẩm chức năng…
Trước từng câu từng chữ, từng ví dụ chi tiết, số liệu cụ thể hiển hiện trên trang giấy, nhiều cha mẹ sẽ phải giật mình nhưng ngay sau đó là chân thành “thú nhận” trước những lời “buộc tội” đanh thép của Sax. Trong cái nhìn của Sax, “nghề làm cha mẹ” đã “sụp đổ” ngay cả khi những người hành nghề chưa ý thức được điều đó.
Từ việc thay đổi nhận thức, Sax đã đi một hành trình dài để thay đổi và tạo dựng hành động mới – mà những hành động này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả đối với việc dạy dỗ những đứa trẻ trong “thời buổi nhiễu nhương” này. Ông đã thể hiện sự thấu hiểu và đồng hành tuyệt đối trong “sự nghiệp” giáo dục gia đình. Ông chăm chỉ đưa ra những lời khuyên, phân tích những quan điểm, mệnh đề của mình dưới góc độ của một chuyên gia. Ông vừa đặt mình vào vị trí của những bậc cha mẹ, vừa đặt mình vào không gian sống của những đứa trẻ, chính sự “thâm nhập” sâu sắc này đã khiến những giải pháp mà ông đề cập không hề mang tính máy móc, dập khuôn mà trái lại, chúng rất thấu tình đạt lý và có thể được áp dụng một cách triệt để.
“Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ” đã trở thành cuốn “kinh thánh” trong giáo dục gia đình. Nó xứng đáng trở thành người bạn tuyệt vời của những bậc phụ huynh trong hành trình nuôi dạy con – một hành trình chưa bao giờ dễ dàng dù là ngày trước, bây giờ hay mãi về sau.
Nó cũng xứng đáng với niềm tin mới của những người vừa chứng kiến một “sự sụp đổ” ngay dưới bàn chân mình, và xứng đáng với lời khen ngợi của một Giáo sư Tâm lý học tại trường Y Harvard – Nancy Kehoe: “Dựa trên nhiều năm kinh nghiệm thực hành lâm sàng lần phỏng vấn học sinh và phụ huynh trên toàn thế giới, Sax đưa ra một bức tranh thực tế và đáng báo động về sự sụp đổ của việc nuôi dạy con trên đất nước này. Nhưng ông không để cho người đọc tuyệt vọng; ông đưa ra những giải pháp đơn giản, dễ dàng, cung cấp cho cha mẹ một hướng dẫn dễ tiếp cận để giúp họ lấy lại vai trò chính đáng của mình”, hay với lời giới thiệu của Tạp chí Sách New York: “Nếu bạn chỉ định đọc một cuốn sách nuôi dạy con trong năm nay, hãy chọn cuốn “Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ” của Leonard Sax. Điều làm nên một cuốn sách hướng dẫn có giá trị chính là một tác giả dày dạn kinh nghiệm thực tế về chủ đề và cách viết lôi cuốn. Leonard Sax có cả hai điều này… Đây đơn giản là một cuốn sách hay, rất dễ đọc và đưa ra những lời khuyên hợp lý về việc trao cho con cái cơ hội tốt nhất để thành công trong cuộc sống”.
Từ một đống đổ vỡ, hãy bắt đầu xây lại một công trình!
Nguyễn Hiền Tâm
(Thaihabooks)