“Trong tự nhiên, không có gì là rác thải cả” – David Suzuki
Ý tưởng về một hệ thống không có bất cứ thứ gì bị lãng phí không phải là mới. Từ các loài chim, kiến, voi, cây cỏ và hoa lá cho đến những vi sinh vật mà chúng ta không nhìn thấy được, không hề có rác thải. Theo một cách nào đó, mọi hoạt động của các loài thực vật và sinh vật đều được tận dụng trong hệ sinh thái mang tính tuần hoàn. Một cành cây rơi khỏi thân cây, theo thời gian cành cây đó sẽ được các loại vi sinh vật và nấm phân hủy, biến thành dưỡng chất cho đất và hỗ trợ những cây mới sinh trưởng, những cây mới này lại là thức ăn của nhiều loài động vật, trở thành nơi chúng trú ngụ và sinh sản cho tới khi cái cây đó kết thúc vòng đời và chu trình trên lại một lần nữa bắt đầu.
(Nguồn: Internet)
Cách đây không lâu quá, con người cũng sống trong một hệ thống có tính tuần hoàn, nhưng sau cuộc cách mạng công nghiệp, mô hình sinh hoạt này bắt đầu thay đổi khi chúng ta khám phá ra phương thức sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn hơn. Tốc độ phát triển vũ bão của công nghệ đẩy văng chúng ta ra khỏi hệ thống tuần hoàn này và rơi vào hệ thống băng chuyền tuyến tính mà chúng ta vẫn mắc kẹt cho tới tận ngày nay. Chúng ta sử dụng những cỗ máy vô cùng mạnh mẽ chạy bằng năng lượng hóa thạch để khai thác các nguồn tài nguyên trong lòng đất và vận chuyển chúng đi khắp thế giới, tới những nơi mà chúng ta nhào nặn và tạo hình chúng thành các sản phẩm trong các nhà máy với quy mô cực lớn. Những sản phẩm này sau đó được đưa tới các cửa hàng để chúng ta có thể mua sắm, và rồi chúng ta lại đưa các sản phẩm này đến bãi chôn lấp rác thải và câu chuyện cứ thế lập đi lập lại.
Mọi tác động đều có một phản tác động tương ứng. Lựa chọn mà chúng ta đưa ra có hiệu ứng sóng, cả ngược và xuôi. Trên thực tế, tôi vẫn chưa tìm ra thấy một nguy cơ nào mà môi trường và các loài động vật hiện nay đang phải đối mặt lại không phải là hệ quả trực tiếp từ những phương thức sử dụng tài nguyên thiên nhiên sai lầm của chúng ta. Phần lớn lượng rác thải phát sinh được xếp loại là rác thải công nghiệp, tức là những thứ phế phẩm còn lại từ quá trình khai thác và chế biến các nguồn tài nguyên thành các sản phẩm mà chúng ta thường mua sắm. Nhiên liệu, dù là dầu, khí ga hay than đá đều cần thiết cho tất cả những hoạt động. Các tấm năng lượng mặt trời đáng nhẽ phải cứu vớt chúng ta thực tế lại vẫn đòi hỏi phải sử dụng đến các nguồn tài nguyên có hạn. Tôi đã đọc đi đọc lại về nhu cầu cấp thiết phải thay thế năng lượng than đá sang năng lượng mặt trời để ứng phó với những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Nhưng giảm mức tiêu dùng của chúng ta cũng không kém phần quan trọng.
Nói một cách đơn giản, càng mua sắm nhiều đồ đạc và mang nhiều hàng hóa về nhà, chúng ta càng tiêu tốn thêm năng lượng cần thiết để giữ cho các cỗ máy ngày đem vận hành, các nhà máy liên tục sáng đèn, các đoàn xe tải lăn bánh, các đoàn tàu chạy tới lui và các con tàu chở hàng liên tục ra khơi. Càng giảm bớt nhu cầu sản xuất hàng hóa, chúng ta sẽ càng giảm được nhiều gánh nặng chất lên hành tinh thân yêu của chúng ta.
Rác thải mà chúng ta tạo ra phần lớn được lên kế hoạch từ lúc bắt đầu chu trình tạo ra sản phẩm, cụ thể là trong khâu thiết kế. Đáng buồn thay, hầu hết rác thải được cố tình tạo ra để khuyến khích chúng ta mua đi mua lại hết lần này tới lần khác, tư tưởng này thậm chí còn có một cái tên: sự lỗi thời có tính toán. Một sản phẩm được thiết kế ra để hỏng mà chẳng ai đoái hoài là nó sẽ đi đâu về đâu, mục đích là để khiến người tiêu dùng quay lại các cửa hàng mà mua một cái mới. Giá thấp khiến chúng ta rơi vào cái bẫy thay thế bằng sản phẩm mới thay vì đem đi sửa chữa. Sản phẩm càng rẻ tiền thì khả năng là nó được sản xuất bằng nguyên liệu kém chất lượng trong điều kiện môi trường làm việc thậm tệ bởi những người lao động được trả lương rẻ mạt thực chất lại càng cao.
Thứ tâm lý dễ thay thế đã lan tràn khắp mọi nơi, chúng ta thay đồ đạc thậm chí trước cả khi chúng hỏng do ảnh hưởng của tâm lý không được thua kém bạn bè hay nỗi sợ hãi bị bỏ lại phía sau. Và hệ thống tái chế đã trở thành một giải pháp chắp vá tạm thời mà thực chất không hề có tác dụng kiềm chế sức tiêu dùng của chúng ta.
Thái độ phục vụ khi đối mặt với chu trình sản xuất – và – thải bỏ đã trở nên thâm căn cố đế. Điều đó khiến tôi tự hỏi không biết chúng ta đã sẵn sàng để đối mặt với thực tế rằng chính tiêu dùng là nguyên nhân gốc rễ của vô vàn các vấn đề. Nhưng chúng ta cần phải nhận ra điều này để hiểu rằng chúng ta có khả năng tạo nên sự thay đổi.
Trích: Sống không rác – Erin Rhoads
Nguồn: haihabooks.com